Nồi cơm “đa di năng” là phương pháp tối ưu mà nhiều SV hiện nay áp dụng. Cơm chín cho ra một cái nồi sạch rồi tiếp tục luộc rau, luộc trứng, nấu nước uống thậm chí cả rang cơm... bằng nồi cơm điện.
Các bạn lý giải, khi giá bình ga mini cũng tăng vèo vèo theo giá thì 2.500 đồng một số điện vẫn còn “dễ thở” hơn.
Thực đơn hai món
Hay tin công chức chuẩn bị được tăng lương, xăng dầu rục rịch tăng giá, dân đèn sách lại “méo mặt” bởi biết trước giá cả còn “rú ga” chạy trước. Bạn Nguyễn Hoàng - SV năm cuối khoa Ngữ Văn, ĐH Vinh (Nghệ An) nhăn nhó: “Phen này lại bảo mẹ gửi dăm cân lạc lên để sáng lạc rang rồi tối rang lạc thôi (sáng ăn cơm với vừng lạc - PV). Mới ngày nào học năm nhất, mỗi tháng được chu cấp sáu trăm ngàn đã thấy thoải mái giờ thì ngần đấy còn không đủ trả tiền phòng nữa”.
Giá cả tăng, sinh viên lại được phen "lao đao".
Tay xách lủng lẳng túi rau đi ra từ chợ Quyết (gần ĐH Vinh), bạn Công - SV năm nhất khoa Sinh ĐH Vinh tếu: “Thôi thì chúng ta ăn rau vì môi trường xanh sạch đẹp dẫu biết rằng nếu kéo dài da chúng ta cũng... đẹp như rau”.
Dạo một vòng quanh tại một số chợ lớn trên địa bàn TP Vinh như chợ Quyết, chợ Kênh Bắc, chợ Đại học Vinh... thấy giá cả một số mặt hàng thực phẩm “ưa chuộng” của SV như rau muống, cà muối, cá khô, đậu phụ... đều đồng loạt tăng giá từ 2.000 - 3.000 đồng. Nếu trước đây mua 2 nghìn đồng tiền cà, bạn đã có thể xếp đầy một bát con thì bây giờ bạn sẽ chỉ được 5 quả. Chị Hiền - một chủ sạp rau ở chợ Kênh Bắc cười xuề xòa thanh minh: “Thì giá cả nó tăng chung chị cũng đành phải tăng theo chứ có ai muốn bán đắt cho các em SV đâu”.
Còn với Nhâm - SV Trường ĐH Kỹ thuật 3 thì chọn cho mình một giải pháp tình thế đó là góp gạo thổi cơm chung với các phòng trọ bên cạnh: “Trước em ngại nấu nên hay đi ăn cơm bụi. Giá cũng chỉ khoảng 15 nghìn một suất thôi. Nhưng bây giờ thì gấp đôi rồi chị ạ. Mỗi tháng mẹ gửi cho em gần hai triệu nhưng vẫn thấy thiếu”.
Theo chân Nhâm, chúng tôi tìm đến xóm trọ của cậu để được mục kích bữa cơm SV thời tăng giá. Bốn cậu SV với mâm cơm đơn giản là đậu phụ rán và canh cà chua trứng. Và chưa đầy mười phút sau, mâm cơm đã được “dọn dẹp” sạch sẽ.
Nhâm - SV Trường ĐH Kỹ thuật 3 cùng các bạn nấu ăn chung mấy món đơn giản là đậu phụ rán và canh cà chua trứng.
Nồi cơm “đa di năng”
Đó là phương pháp tối ưu mà nhiều SV hiện nay áp dụng. Cơm chín cho ra một cái nồi sạch rồi tiếp tục luộc rau, luộc trứng, nấu nước uống thậm chí cả rang cơm... Bởi theo các bạn, giá bình ga mini cũng tăng vèo vèo theo giá thì 2.500 đồng một số điện vẫn còn “dễ thở” hơn.
Bạn Dương Thị Hoài, trọ tại đường Nguyễn Kiệm, TP Vinh bức xúc: “Hôm qua đi đổi ga người ta nói mười nghìn mà em choáng quá. Hôm trước mới bảy nghìn. Một tuần em nấu tiết kiệm lắm cũng hết hẳn ba bình. Cả tháng đã mất toi gần trăm nghìn tiền ga rồi. Lâu lắm rồi em không giám kho hầm món gì cả”.
Xóm trọ SV thời tăng giá dường như cũng ít ồn ào hơn. Tiếng rao bánh bao, bánh mì lúc đêm khuya và buổi sáng cũng không còn nhộn nhịp như trước đây nữa. “Ngày trước, khi nhắc đến SV, người ta thường nghĩ ngay đến mì gói. Còn bây giờ, đứa nào “rủng rẻng” lắm mới dám ăn mì tôm chị ơi. Loại rẻ nhất còn 3 nghìn đồng một gói nữa là...”. Vừa lách tách trên máy tính với bảng mạch điện đèn giao thông, Hoàng - SV Trường CĐ Việt Đức trọ học ở đường Võ Thị Sáu phân trần.
Theo Dantri |